HAI LOÀI NHÁI BẦU MỚI CHO KHOA HỌC (nhái bầu ninh thuận và nhái bầu đăk lăk) ĐƯỢC PHÁT HIỆN Ở VIỆT NAM

  14/05/2021

Các nhà khoa học Việt Nam thuộc Trung tâm Tài nguyên và Môi trường lâm nghiệp và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cùng với các nhà khoa học Đức, Nga và Trung Quốc vừa phát hiện, mô tả và công bố hai loài nhái bầu mới cho khoa học. Toàn văn bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế chuyên nghành Zookeys https://zookeys.pensoft.net/article/56919/list/11.

Nhái bầu ninh thuận (Microhyla ninhthuanensis) và Nhái bầu đăk lăk (Microhyla daklakensis) được đặt theo tên địa danh nơi phát hiện ra phân bố tự nhiên các quần thể của hai loài này. Chúng đều là những loài bí ẩn thuộc nhóm loài phức tạp, có hình thái tương đồng (thuộc nhóm nhái bầu hây-môn- Microhyla heymonsi), do đó nghiên cứu dựa trên phân tích tổ hợp dữ liệu di truyền phân tử và thống kê các chỉ số hình thái sai khác để phân biệt. Cho đến nay, phân bố của các loài trong nhóm loài Nhái bầu hây-môn còn chưa rõ ràng, vì vậy các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để làm rõ ràng vấn đề này.

1. Nhái bầu ninh thuận - Microhyla ninhthuanensis: được phân biệt với các loài khác trong nhóm với tổ hợp các đặc điểm hình thái sau: 1) kích thước trung bình (SVL 17,3–18,8 mm ở con đực; 21,6–23,6 mm ở con cái). 2) mặt lưng nhẵn; 3) đầu hình tam giác, mõm tròn; 4) ngón chi trên I ngắn hơn một nửa chiều dài của ngón chi trên II; 5) các đầu của tất cả các ngón chi trên bên ngoài giãn ra, tạo thành các đĩa, có rãnh dọc ở giữa có thể nhìn thấy ở mặt lưng; 6) Các đầu ngón chi dưới đều giãn ra rõ rệt thành các đĩa, có rãnh dọc ở giữa yếu có thể nhìn thấy ở mặt lưng, tạo ra hình dạng của hai ống lượn; 7) Củ bàn bên trong hình bầu dục và nổi rõ, củ bàn ngoài dạng kép, vòng thắt lưng chia eo thành hai phần có kích thước bằng nhau: phần ngoài khá tròn, phần trong hơi hình lưỡi liềm; 8) khớp nối cổ bàn của chi trên khi gập thẳng dọc than không đạt đến mõm; 9) màng bơi dạng cơ bản: I2 - 2½II2 - 3III3 - 4IV4⅓ - 3V; 10) các củ ở cổ chân bên trong hình bầu dục, nổi rõ và các củ ở cổ chân bên ngoài hình tròn; 11) không có gai trên mi mắt trên; 12) sọc nâu mờ hẹp kéo dài từ góc sau của mắt đến nách; 13) có sọc đốt sống mỏng nhẹ; 14) đốm tròn nhỏ màu sẫm ở giữa lưng, được phân chia bởi một dải đốt sống nhạt; 15) mặt lưng màu nâu hồng với các mảng màu nâu sẫm hình chữ X giữa mắt và cánh tay, dọc theo đốt sống và vùng lưng có các sọc ở vùng lưng tạo thành dải bụi lượn sóng về phía bẹn, một dấu nhỏ sẫm màu có hình dạng '()' ở giữa lưng và giữa dải sống lưng; 16) một sọc bên màu đen thậm chí từ trên cánh tay, gần như chạm đến háng; 17) cằm xám đen; họng trắng, có bụi xám đen rải rác; ngực và bụng màu trắng kem.

Nhái bầu ninh thuận - Microhyla ninhthuanensis. Ảnh Hoàng Văn Chung

2. Nhái bầu đăk lăk - Microhyla daklakensis: được phân biệt với các loài khác trong nhóm với tổ hợp các đặc điểm hình thái sau: 1) kích thước trung bình (SVL 17,7–20,1mm ở con đực; 21,1–23,8 mm ở con cái, 2) mặt lưng nhẵn; 3) mõm tròn nhìn theo hướng lưng bụng; 4) ngón chi trên I dài hơn một nửa chiều dài của chi trên II; 5) các đầu của tất cả các ngón chi trên bên ngoài giãn ra, tạo thành các đĩa, có rãnh dọc ở giữa có thể nhìn thấy ở mặt lưng; 6) Các đầu ngón chi dưới đều giãn ra rõ rệt thành các đĩa, có rãnh dọc ở giữa yếu có thể nhìn thấy ở mặt lưng, tạo ra hình dạng của hai ống lượn; 7) Củ bàn trong hình bầu dục và nổi rõ, củ bàn ngoài dạng kép chia đôi vòng eo thành hai phần có kích thước bằng nhau: phần ngoài khá tròn, phần trong hình lưỡi liềm; 8) khớp nối cổ bàn của chi dưới thẳng không đạt đến mõm; 9) màng bơi dạng cơ bản: I2 - 2½II2 - 3III3 - 4IV4⅓ - 3V; 10) củ ở cổ chân bên trong hình bầu dục, nổi rõ và củ ở cổ chân bên ngoài hình tròn; 11) không có gai trên mi mắt trên; 12) sọc nâu mờ hẹp kéo dài từ góc sau của mắt đến nách; 13) có sọc đốt sống mỏng, nhạt; 14) đốm tròn nhỏ màu sẫm ở giữa lưng, được phân chia bởi một dải đốt sống nhạt; 15) mặt lưng màu nâu vàng, một vạch màu nâu sẫm hình chữ V giữa hai mắt đến chỗ cắm cánh tay; 16) các sọc dọc đốt sống và lưng tạo thành dải bụi lượn sóng về phía bẹn; 17) một vết sẫm màu nhỏ ở dạng ‘()’ ở trung tâm của lưng và đường giữa lưng; 18) một sọc bên màu đen đều màu từ phía trên của cánh tay, gần như chạm đến háng; 19) cằm xám đen; họng trắng, có bụi xám đen rải rác; ngực và bụng màu trắng kem.

Nhái bầu đăk lăk - Microhyla daklakensis - Ảnh Hoàng Văn Chung

Nguồn tin: Hoàng Văn Chung – Trung tâm Tài nguyên và Môi trường lâm nghiệp

 

 

 

 

Bình luận

Tin tức mới

Fanpage facebook
Bài viết xem nhiều

Đối tác





Bài viết mới nhất